Giằng co với Sở quanh Trịnh và Trần Tấn_Điệu_công

Tháng 6 năm 571 TCN, nhân Trịnh bá vừa mất, Tấn bèn liên minh với Tống, Vệ và Châu cùng đánh Trịnh. Quan đại phu nước Lỗ là Trọng tôn Miệt đề nghị xây thành Hổ Lao để khống chế Trịnh quốc. Tướng Tấn là Trí Oanh đề nghị bắt nước Tề tham gia vào việc đắp thành, mà nếu Tề hầu không nhận thì sẽ có lý do để thảo phạt Tề. Tề hầu phải sai Thôi Trữ đến đất Thích dự lễ đắp thành với các chư hầu vào mùa đông năm đó[30].

Năm 568 TCN, Sở Cung vương sai quân đánh nước Trần vì cớ Trần ngả theo Tấn, giữa đường đi ngang qua nước Đốn, buộc nước này thần phục. Trần Ai công thấy vậy bèn mang quân vây nước Đốn. Lệnh doãn của Sở là Tử Nang bèn tấn công nước Trần để cứu Đốn. Vua Trần đành cầu cứu nước Tấn. Tháng 9 năm 568 TCN, Tấn hầu cùng với Tống công, Lỗ công, Trần hầu, Vệ hầu, Trịnh bá, Tào bá, Cử tử, Châu tử, Đằng tử, Tiết bá, Thế tử Quang Tề quốc, cùng với người nước Ngônước Tắng ở đất Thích, sau đó tiến quân vào nước Trần[31]. Quân Sở rút về, Tấn Điệu công lại hội chư hầu ở Thiện Đạo[32][33].

Tháng 12 năm 566 TCN, Tử nang nước Sở đem quân đánh Trần. Tấn Điệu công lại hội 7 nước chư hầu ở đất Vĩ để cứu Trần. Trần Ai công cũng theo lệnh triệu tập, giao cho em là công tử Hoàng lo phòng giữ quân Sở, còn mình đến hội với Tấn Điệu công. Nhưng quân Tấn di chuyển chậm vì e ngại quân Sở đông đảo, bản thân Tấn hầu cũng không dám nắm chắc phần thắng. Kinh thành nước Trần bị vây rất gấp, Trần hầu bèn bỏ hội nghị với nước Tấn, trở về giữ nước và xin giảng hòa với Sở. Cùng khi đó Tử Tứ (người nắm quyền ở Trịnh) sai sát thủ đến hội giết Trịnh Hi công và xin thần phục Sở quốc[34][35].

Tấn Điệu công theo lời của tể tướng Hàn Quyết, cho Tuân Oanh làm Trung quân nguyên soái thay chính Hàn Quyết mà đem quân đánh Trịnh. Tuân Oanh hiến kế dĩ giật đãi lao, đem quân chia ra làm ba đạo, mỗi đạo quân có mấy nước chư hầu phụ thuộc, thay phiên mà ra trận; Sở tiến thì Tấn lui, Sở lui thì Tấn tiến. Cứ như thế, Tấn đến thì Trịnh theo Tấn, Tấn rút thì Trịnh theo Sở, suốt 2-3 năm.

Tháng 5 năm 565 TCN, Tấn Điệu công hội chư hầu ở Hình Khâu[36], cùng các nước Trịnh, Tề, Tống, Vệ, Tiểu Châu, Đằng... Mùa đông năm đó, Sở Cung vương sai Tử Nang sang đánh Trịnh, Trịnh lại bỏ Tấn mà theo Sở.

Mùa đông năm 564 TCN, Tấn Điệu công phái đạo quân thứ hai cùng chư hầu đánh Trịnh, Trịnh lại theo Tấn và kí kết đồng minh ở đất Hỷ[37]. Sở Cung vương thấy vậy cũng đánh Trịnh, Trịnh lại theo Sở. Tấn Điệu công triệu tập 12 chư hầu Tề, Tống, Lỗ, Vệ, Tào, Cử, Chu, Đằng, Tiết, Kỉ và Tiểu Chu đánh Trịnh, vây đánh nước Trịnh ở ngoài ải Hổ Lao. Công tử Trinh nước Sở mang quân cứu Trịnh nhưng khi gặp lúc mẹ của Sở vương là bà Trang hậu mất nên quân Sở vội vàng rút về[38].

Tấn Điệu công trở về Giáng Đô bàn kế làm cho dân yên. Ngụy Giáng xin trích tiền trong kho tàng ra ban thưởng cho sĩ dân và thi hành tiết kiệm: việc tế tự giảm xuống dùng lụa, không chế thêm đồ dùng, sửa xe cũ không dùng xe mới, vì thế quốc lực được củng cố, đủ sức trong một năm dùng quân đánh Sở suốt ba lần và vẫn không nao núng.

Mùa thu năm 563 TCN, vì Trịnh liên minh với Sở để đánh Tống, Tấn hầu triệu tập quân 10 chư hầu phạt Trịnh, tăng quân đóng đồn ở Ngưu Thù cùng Hổ Lao. Tuân Oanh nhận thấy rằng quân Tấn và Sở cứ dùng dằng với nhau ở Trịnh lâu ngày cũng không phải kế hay, nên cùng chư hầu rút quân về, quân Sở cũng lui theo nhưng Trịnh lại hội thề với Sở. Cùng năm đó Tuân Hội chết, Điệu công cất nhắc Ngụy Giáng làm Tân quân phó tướng, Trương Lão thay Ngụy Giáng làm Tư mã.

Tháng 4 năm 562 TCN, Tấn Điệu công phái đạo quân thứ ba đánh Trịnh. Tháng 7 năm đó, Trịnh Giản công (8 tuổi) phải ra hội thề với chư hầu ở phía bắc thành Bạc. Sau khi quân Tấn rút đi, Lệnh doãn nước Sở bèn sai sứ mượn quân nước Tần để giúp Trịnh và đánh Tống. Tần bá là anh vợ của Sở vương mang quân giúp Sở. Tấn hầu nghe tin, một lần nữa đến cùng với các chư hầu ở Tiêu Ngư, rồi diễu binh qua cổng thành của Trịnh. Tháng 10, Trịnh bá sai Tử Triển ra ngoại thành xin cầu hòa với Tấn hầu. Tháng 12, Điệu công chấp nhận hòa nghị, tha hết tù binh nước Trịnh và cấm không cho quân đội cướp bóc của dân. Người nước Trịnh hối lộ cho Điệu công 3 người chưởng ban ca nhạc, 15 chiến xa, bọc giáp, binh cụ, hai giá chuông, hai giá khánh và 8 người nữ nhạc. Tấn Điệu công sai ban thưởng một nửa cho Ngụy Giáng[39]. Nước Trịnh từ đó thần phục nước Tấn suốt 24 năm tiếp theo[34][40][41].